Áp lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì việc xây dựng các chính sách phục vụ quá trình chuyển đổi kép (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa được hưởng lợi nhiều từ các chương trình này.

Thông tin được chia sẻ tại “Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam lần thứ 2 – Vietnam New Economy Forum 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số – chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 16/10 vừa qua.

Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Các chuyên gia đã có những phân tích, đề xuất liên quan đến quá trình chuyển đôi kép tại Việt Nam thời gian qua. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát huy tinh thần dân tộc, sức mạnh tự chủ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, kiến tạo những giá trị bứt phá bền vững. Trong đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục là công cụ, phương tiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững,… tạo động lực đột phá cho kinh tế xã hội.

Việt Nam hiện đang có 3 chỉ số đứng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo toàn cầu trong năm 2024, bao gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam đang vào hàng nhanh nhất Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 20% GDP.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hết sức cần thiết bởi vì đây là 2 quá trình có sự bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau vô cùng chặt chẽ. Muốn chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào. Muốn chuyển đổi số tốt cũng phải xanh hóa, tiết kiệm nguồn năng lượng.

“Hiện đại nhưng hại điện”, ông nói và lấy ví dụ, mạng 5G đi vào hoạt động, năng lượng tiêu thụ sẽ tốn gấp ba lần cả mạng 2G, 3G, 4G cộng lại. Điều này cho thấy bài toán tiết kiệm năng lượng là vô cùng quan trọng khi công nghệ phát triển.

Đặt câu hỏi liên quan đến những thách thức về bài toán tiết kiệm năng lượng, chuyên gia này cũng nêu bật, nhờ chuyển đổi kép, doanh nghiệp lại có nhiều cơ hội hơn, nâng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững, tăng cường “Sức đề kháng” và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính, cải thiện sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, xuất khẩu.

TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất sớm ban hành danh mục và phân loại xanh, từ đó mới có tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều yếu tố xanh khác.

Đứng dưới góc độ nhà quản lý, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, quá trình chuyển đổi kép tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm việc xây dựng các chính sách phục vụ quá trình chuyển đổi. Thực tế cộng đồng doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa được hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Cơ quan hoạch định chính sách thiếu số liệu thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng chính sách cụ thể, sát sườn hơn.

Để giải tỏa phần nào áp lực trong chuyển đổi kép, TS.Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đề xuất, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu rõ ràng, thúc đẩy văn hóa sáng tạo ngay từ bên trong, đồng thời cũng phải sẵn sàng hạ tầng số, phát triển các nền tảng cho riêng mình như AI và xây dựng nguồn nhân lực riêng. Về mặt chính sách, TS Phương Nam đè xuất cần có thêm các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các startup và doanh nghiệp phát triển các công nghệ tiên tiến.

5/5 - (1 bình chọn)
094.836.9191
Zalo Chat với chúng tôi qua zalo Zalo Google Maps Google Maps Google Maps Báo giá Nhận báo giá Nhận báo giá