Đẩy mạnh chuyển đổi số- Xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp phát triển

Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều này giúp các doanh nghiệp duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.

day-manh-chuyen-doi-so

Yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp

Trong khuôn khổ Tọa đàm “Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức chiều 7/11 tại Hội trường Bảo tàng Hà Nội, các ý kiến đại biểu đã khẳng định đẩy mạnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch kết nối cùng phát triển “Link to Grow” –  Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, với chủ đề “Công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024)”.

Tham dự Tọa đàm có khoảng 100 đại biểu đến từ một số Bộ, ngành Trung ương; các sở, ngành, đơn vị liên quan; đại diện các hội, hiệp hội ngành công nghiệp số, công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; các tổ chức, hội, hiệp hội, ngành nghề liên quan; các doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ cao; đại diện các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học có chuyên ngành liên quan…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, khẳng định: “Chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh. Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng. Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Cũng theo ông Lê Tự Lực, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hà Nội đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số. Nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Thành phố đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững.

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia cũng đã đưa ra các giải pháp để  hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; cũng như tư vấn về việc chuyển đổi số trong hoạt động marketing, chăm sóc khách hàng bảo vệ thương hiệu với tổng đài đa kênh…

Nội dung của tọa đàm tập trung vào việc chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số; cùng nhau đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đề xuất các giải pháp công nghệ theo lộ trình chuyển đổi số; Đề xuất cơ chế sách để thúc đẩy chuyển đổi số và Phát triển doanh nghiệp số.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Tại Tọa đàm, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội khẳng định, chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng. Nó đại diện cho sự thay đổi trong cách quản lý, quy trình, thủ tục và văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bà Ngân, công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế và hiệu quả đạt được vẫn thấp. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của chuyển đổi số và chưa xác định được vấn đề cũng như lộ trình cần thực hiện để chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Trong quá trình chuyển đổi số tại DNNV Hà Nội, lĩnh vực kế toán được thực hiện chuyển đổi số mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Về vấn đề nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số DNNVV tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn đầu tư vào chuyển đổi số. Hơn 45 % doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.

Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội chia sẻ, ngay sau khi các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Trung tâm đã triển khai nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/09/2022 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp NVV trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Sau khi kế hoạch được ban hành, Trung tâm đã khẩn trương hoàn thành xây dựng, thiết lập phần mềm thu thập, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin để cung cấp các công cụ, tài liệu, giải pháp về chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội.

Đặc biệt, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng. Cụ thể là, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng 40 bài giảng trực tuyến về lĩnh vực chuyển đổi số; Tổ chức 108 khóa đào tạo trực tiếp tại 108 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến về chuyển đổi số; 10 khóa đào tạo (800 học viên) kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số cho người quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa; 120 khóa đào tạo Khởi sự kinh doanh (9.600 học viên) và 88 khóa đào tạo Quản trị kinh doanh (7.040 học viên) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số.

thuc-day-chuyen-doi-so-doanh-nghiep
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, bà Hương cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được quy định tại các văn bản của trung ương chỉ dừng ở mức độ những hỗ trợ nhỏ cho doanh nghiệp, mang tính phụ trợ, chưa thực sự đáp ứng, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu phát triển căn bản của doanh nghiệp nên chậm đi vào cuộc sống.

“Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, để hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của, Thành phố cần tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu sau. Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức và thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại các Sở ngành, hội, hiệp hội, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách hỗ trợ quy định tại Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Thứ ba, Thành phố tiếp tục bố trí ngân sách ổn định để bảo đảm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được đồng bộ, liên tục, hiệu quả”, đại diện này đề xuất./.

Báo điện tử – Đảng Cộng sản Việt Nam
5/5 - (1 bình chọn)
Nội dung chính
094.836.9191
Zalo Chat với chúng tôi qua zalo Zalo Google Maps Google Maps Google Maps Báo giá Nhận báo giá Nhận báo giá