Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương cho rằng có nhiều bất cấp trong chính sách, thể chế khiến nền kinh tế số Việt Nam chưa thể phát triển hết tiềm năng.
Tham gia ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 27/9, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhìn lại quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân gắn với thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kiến nghị một số quan điểm, giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Hoa Cương nhìn nhận, hiệu quả thực hiện Chính phủ số ở Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, dù có sự cải thiện, hiện Việt Nam vẫn đứng thứ 86/193 quốc gia. So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam ở vị trí thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bruinei và Philippines. Thậm chí, theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, chỉ số dịch vụ trực tuyến bị đánh giá thấp, từ vị trí 59 năm 2018 xuống vị trí 81 năm 2020.
Đánh giá này cũng phản ánh thực tế việc triển khai thực hiện Chính phủ số ở Việt Nam với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng còn khó khăn, đặc biệt tại các cấp chính quyền xã, phương.
Trong khi đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử (về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm) được xây dựng và vận hành nhưng chất lượng kết nối, chia sẻ và khả năng tiếp cận của người dân còn rất hạn chế.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoa Cương còn cho rằng chính sách phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn nhiều bất cập. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có trên 65% dân số dùng Internet di động, 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, tuy vậy tỷ trọng của kinh tế số trong GDP còn thấp.
Dẫn đánh giá của Bộ kế hoạch và Đầu tư (2020) tại Đề án Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030, đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế so với nhiều nền kinh tế ở giai đoạn phát triển tương tự. “Về tổng thể, nền kinh tế chưa thực sự sẵn sàng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng trưởng kinh tế chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học công nghệ, chỉ số kinh tế tri thức thấp hơn trung bình của thế giới”, bài viết của Phó viện trưởng CIEM có đoạn.
Chất lượng thể chế cũng là thách thức, hiện ở vị trí 89/141 nền kinh tế trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (năm 2019). Ngoài ra, an ninh mạng và an toàn thông tin cũng là điểm hạn chế, ở vị trí rất thấp (90/100) theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Báo cáo Sẵn sàng cho sản xuất tương lai (năm 2018).
Tham khảo:>> giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nêu những bất cập về chính sách phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Một là, chưa thống nhất nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số, dẫn tới thiếu nhất quán trong hành động. Hai là, thể chế hiện hành chưa khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh. Ba là, hạ tầng số chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu. Nền tảng số chưa phát triển cao, nhất là hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, hệ thống thanh toán điện tử. Việt Nam chưa thực sự làm chủ công nghệ điện toán đám mây. An toàn, an ninh mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Bốn là, năng lực, trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu tầm quốc tế.
Ông Nguyễn Hoa Cương đưa ra đề xuất, giải pháp, “cần được tích hợp trong tổng thể các nhiệm vụ ở kế hoạch 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, trong đó có kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025”.
Ông Cương cho rằng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
“Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống”, ông Cương đề xuất.
Các mô hình kinh doanh được Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gợi ý gắn với hoạt động đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên như mô hình kinh doanh vì người thu nhập thấp, kinh doanh tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngành y tế
Về thể chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng cần kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.
Hạ tầng số cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Vấn đề quan trọng khác là cần tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nguồn: Tổng hợp