Việc chuyển đổi số của doanh nghiệp đang tiến triển bất chấp đại dịch, những tổ chức không theo kịp làn sóng này có thể bị đào thải trong tương lai.
Chia sẻ kinh nghiệm duy trì sản xuất, vượt qua bất ổn của đại dịch trong toạ đàm CTO Talks ngày 22/7, ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk – cho biết: “Chuyển đổi số là cứu tinh của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Covid-19 phủ bóng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhưng nhìn theo hướng tích cực, đại dịch cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất và phát triển ổn định nhờ ứng dụng công nghệ”.
Chung quan điểm với ông Hải, Phó tổng giám đốc tập đoàn FPT – ông Hoàng Việt Anh – cho rằng một trong những lý do giúp các doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh bình thường là đầu tư công nghệ, chuyển đổi số từ sớm. Ở vai trò nhà cung cấp các giải pháp số, ông Việt Anh chỉ ra bốn bài học quan trọng trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp: tự động hoá khối hành chính văn phòng, không giấy tờ; đảm bảo kinh doanh, vận hành, triển khai nền tảng online, kết nối khách hàng, nhà cung cấp; tự động hoá, có hình thức kết nối giữa thông tin dây chuyền sản xuất và thông tin doanh nghiệp; dùng công nghệ số để đảm bảo an toàn cho công nhân.
“Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang hiểu thiếu về chuyển đổi số. Không ít người cho rằng chuyển đổi số đơn giản là áp dụng công nghệ. Nhưng bản chất quá trình này là tập hợp ba yếu tố không tách rời, gồm môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ và con người”, lãnh đạo FPT chia sẻ.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo – cho biết, thách thức đầu tiên với tổ chức khi thực hiện chuyển đổi số là thay đổi tư duy của cả lãnh đạo lẫn nhân viên trong công ty. “Sẽ có những điểm chênh nhất định giữa tư duy của người lãnh đạo với các công nhân, nhân viên khi thực hiện chuyển đổi số. Chưa kể nhiều người trong nhóm quản lý rất ngại phải học thêm cái mới, đặc biệt là công nghệ. Người quản lý giỏi là làm sao thuyết phục và đào tạo được người của mình cùng tham gia chuyển đổi số, vì mục đích chung của tổ chức chứ không phải thay nguyên bộ máy sản xuất, đưa những người biết dùng công nghệ, kỹ thuật vào thay thế lao động cũ đã gắn bó với tổ chức trong thời gian dài”, ông Tam nhận định.
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, đại diện Tập đoàn TH True Milk cho rằng chuyển đổi số trong ngành công nghệ đã khó nhưng trong ngành nông nghiệp còn khó hơn nhiều. “Những ngành nghề khác, mình đào tạo không được thì có thể chuyển đến khâu khác. Nhưng trong nông nghiệp, mình không chuyển người nông dân đi đâu, buộc phải kiên nhẫn, thực hiện từng chút một”, ông Ngô Minh Hải chia sẻ. Ngoài ra, một khó khăn khác với ngành nông nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số là thách thức về hạ tầng, vì đặc thù không gian rộng lớn.
Ở những tập đoàn lớn như TH True Milk, công cuộc chuyển đổi số đã diễn ra từ hàng chục năm trước. Khi đại dịch đến, doanh nghiệp có lợi thế hơn, ứng phó ngay được với dịch bệnh. “12 năm trước, chuyện cho bò gắn chip, nghe nhạc, tắm mát nghe là lạ, vui tai và có phần ngớ ngẩn. Nhưng thực tế đó là cái sống còn của việc chăn nuôi bò sữa, là cuộc cách mạng của ngành chăn nuôi ở Việt Nam. Bằng việc gắn chip, chúng tôi có thể tiếp nhận dữ liệu trong từng cá thể bò, biết được khi nào con vật động dục, tình trạng sữa và cả tình trạng sức khoẻ, bệnh tật để chữa trị sớm”, ông Hải lấy ví dụ về việc chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi của TH True Milk.
Theo các lãnh đạo công nghệ, mỗi doanh nghiệp sẽ gặp những thách thức khác nhau trong quá trình chuyển đổi số. Nhưng lãnh đạo tổ chức phải tư duy được rằng đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. “Không có chuyển đổi số, không thể tồn tại được trong nền kinh tế này. Anh có muốn doanh nghiệp của mình trở thành một chiếc TV analog trong thế giới TV màu hay không?”, ông Hải ví von.
Chia sẻ bài học chuyển đổi số từng gặp trên thực tế, ông Hoàng Việt Anh cho rằng cả doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn đều có những lợi thế, khó khăn nhất định khi thực hiện chuyển đổi số. Với doanh nghiệp lớn, lợi thế là có nguồn kinh phí lớn, kho dữ liệu dày. Tuy nhiên, thách thức là quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra lâu, ì ạch do tư duy cũ, tổ chức cồng kềnh. Còn với doanh nghiệp nhỏ, chuyển đổi số có thể diễn ra nhanh hơn nhưng lại thiếu kinh phí vận hành.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, không dư giả về tài chính, ông Phạm Văn Tam gợi ý lãnh đạo công nghệ có thể chia sẻ mô hình kinh doanh với những đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số. “Thay vì mua một bộ giải pháp, mình có thể trao đổi ý tưởng kinh doanh với các đối tác, nếu thành công, có thể chia lợi nhuận cùng nhau”, lãnh đạo Asanzo gợi ý. Ngoài ra các doanh nghiệp có ít vốn có thể trả tiền theo dịch vụ, số lượng người dùng. Điều quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp phải biết “lựa cơm, gắp mắm”, tìm được mô hình phù hợp nhất, vừa với yêu cầu chuyển đổi số lần tài chính cho phép.
Tham khảo:>> Những lợi ích của chuyển đổi số
Cuối cùng, các lãnh đạo công nghệ lưu ý, số hoá doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, cần phải xây dựng văn hoá chuyển đổi số mới đảm bảo thành công. “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài xu thế này nếu không muốn bị bỏ lại. Nếu tổ chức đã tiến hành chuyển đổi số, cần nghĩ đến một kịch bản dài hơi hơn. Nếu chưa, phải tìm ra được vấn đề nhức nhối nhất hiện tại của doanh nghiệp, tìm công cụ chuyển đổi phù hợp nhất, bắt đầu số hoá từ những vấn đề đơn giản nhất”, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, lưu ý.
Nguồn: Vnexpress.net