Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ khắc phục điểm yếu cố hữu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết với thị trường tiêu thụ và ngành nông nghiệp cần coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững.
Đó là quan điểm của nhiều đại biểu chia sẻ tại hội thảo chuyên đề số 9: Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 17.11, theo hình thức trực tuyến. Hội thảo thu hút gần 300 đại biểu tham gia.
Không thể nâng cao giá trị nông nghiệp bằng sản lượng
Người đầu tiên trình bày tham luận tại hội nghị, ông Lê Vũ Minh, Tập đoàn FPT, bắt đầu bằng câu chuyện Việt Nam có nhiều nông sản đang có sản lượng đứng ở top đầu thế giới như lúa gạo, cà phê,… nhưng tính về giá trị trên cùng một khối lượng, năng suất trên một đơn vị sản xuất thì vị trí xếp hạng của Việt Nam lại tụt rất xa.
Khi so sánh với nông sản cùng loại của các nước khác, ông Minh cho rằng, giá trị hàng Việt Nam cũng còn kém xa và đã đến lúc, tăng trưởng, giá trị của ngành nông nghiệp không thể dựa vào sản lượng nữa mà cần chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng, khẳng định vị thế trụ đỡ cho nền kinh tế.
Ông Minh góp ý, chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp là một chặng đường dài, cần thu hút sự chung tay của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhưng trước hết hãy bắt đầu từ việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản, minh bạch thông tin trong sản xuất, trước hết tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng là một sự cam kết về chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định ngành nông nghiệp coi ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp đột phá để tạo động lực tăng trưởng mới HOÀNG PHAN |
Ông Azizz Elbehri, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giới thiệu sáng kiến 1.000 ngôi làng số thông minh đã và đang triển khai tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong sáng kiến này, Chính phủ các nước xây dựng hệ sinh thái công nghệ số để tạo dựng những ngôi làng thông minh, bao gồm: hạ tầng truy cập internet, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, công nghệ số và kích cầu các dịch vụ số… phục vụ đời sống của người dân nông thôn.
Cũng theo ông Azizz Elbehri, ở Việt Nam, FAO đang phối hợp với Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn bám sát chiến lược chuyển đổi số quốc gia để gắn với dự án ngôi làng số thông minh, cung cấp sản phẩm dịch vụ số cho người dân ở các quân, huyện và tạo ra môi trường kiến tạo, phát triển dịch vụ số hoá cho khu vực nông thôn.
Xây dựng nền nông nghiệp minh bạch về dữ liệu
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…).
Trong đó, ngành trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ngành chăn nuôi là ứng dụng công nghệ block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn…
Một số doanh nghiệp lớn như VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco… đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo ông Tiến, ước tính đến cuối năm nay, cả nước có trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng cho rằng, cần đổi mới chính sách để thu hút khối tư nhân đầu tư vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn HOÀNG PHAN |
“Chúng tôi đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng…”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghiệp thông minh trước hết phải dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn như đất đai, môi trường, trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, thời tiết, tự động hoá môi trường sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử, quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường…
Qua khảo sát nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số đang là giải pháp giúp họ quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận, và đây là giải pháp hữu hiệu để khắc phục các điểm yếu cố hữu như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.
Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số một cách toàn diện, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất; thiếu kết nối, chia sẻ thông tin ở các khâu của quá trình sản xuất, quản trị, logistics, thương mại nông sản.
Ông Hưng khẳng định, từ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Ban Kinh tế T.Ư sẽ tiếp thu, nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng, đề xuất các chương trình, kế hoạch, chiến lược triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách để khuyến khích tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển dịch vụ công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: Thanhnien.vn