Một trong các khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra là phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thành phố quyết tâm đầu tư cho quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng.
Sẵn sàng hạ tầng, ứng dụng
Để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đôn đốc các doanh nghiệp tập trung phát triển hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số. Trong đó, Sở đã quy hoạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng mạng 5G; khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các khu du lịch, di tích và khu công nghiệp; triển khai mã địa chỉ bưu chính Vpostcode đến từng hộ gia đình, dựa trên nền tảng bản đồ số, gắn với các ứng dụng, phần mềm dùng chung.
Các cơ quan quản lý nhà nước thành phố Hà Nội đều sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử. Thành phố đã hình thành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành (dân cư, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm). Đơn cử như đến nay, phụ huynh học sinh đã quen với hình thức tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, chấm dứt tình trạng xếp hàng nộp đơn xin học căng thẳng, gây bức xúc dư luận. Hay 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh được thực hiện trực tuyến, kết hợp trả kết quả tại nhà hoặc trụ sở doanh nghiệp, không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho công dân, tổ chức, mà còn bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã triển khai 20/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), với tổng số 500.000 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết. 5 dịch vụ công còn lại đang được gấp rút hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Thành phố cũng đã phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022, với 928 thủ tục hành chính.
Với việc triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, từng bước triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối liên thông, các cơ quan nhà nước của thành phố đã thay đổi phương thức làm việc, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu dẫn đầu về chuyển đổi số
Theo Kế hoạch chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội thực hiện chuyển đổi số dựa trên các trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với mục tiêu là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành. Với vai trò là cơ quan tham mưu, vừa qua, Sở đã trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, thành phố cụ thể hóa các nội dung, giao trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng sở, ngành hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước của thành phố; từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.
Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng, hệ thống; phát triển dữ liệu; phát triển ứng dụng; bảo đảm an toàn thông tin. Cùng với đó là các giải pháp: Bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin; hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình, nghiệp vụ; hợp tác trong nước và quốc tế.
Với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai kế hoạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ thông tin, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, Sở sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành triển khai phát triển hạ tầng số bảo đảm hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai chính phủ điện tử; hình thành trung tâm điều hành thông minh của thành phố (IOC); trung tâm dữ liệu chính của thành phố.
Cùng với đó, củng cố, phát triển các nền tảng, hệ thống cơ sở dữ liệu theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố và khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu; phát triển hệ thống giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của thành phố và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống bảo đảm an toàn thông tin của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tăng cường phối hợp, đôn đốc các sở, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong ứng dụng chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, Hà Nội sẽ triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số và các hệ thống quy mô quốc gia khác; phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ như trợ lý ảo, trả lời tự động…