Chuyển đổi số là con đường nhanh và bền vững để Việt Nam trở thành nước phát triển

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, chuyển đổi số là con đường phát triển nhanh và bền vững, là phương thức phát triển mới để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến diễn ra ngày 31/8/2024 ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là con đường phát triển nhanh và bền vững, là phương thức phát triển mới, để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Con đường là đúng rồi, phải làm nhanh, phải thúc đẩy mạnh mẽ, phải tạo ra các kết quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

nguyen-manh-hung-26260865860692042613341
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ công trực tuyến là cái cốt lõi nhất của Chính phủ điện tử. Xong dịch vụ công trực tuyến tức là xong giai đoạn Chính phủ điện tử để chuyển sang giai đoạn Chính phủ số.

“Thế nào là xong dịch vụ công trực tuyến? Xong tức là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình đạt ít nhất 70% tại từng Bộ, ngành và địa phương. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đối với các nước đã phát triển là 80% nhưng đối với các nước đang phát triển thì mới được 30%”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta làm dịch vụ công trực tuyến đã gần 20 năm. Từ năm 2008, dịch vụ công trực tuyến bắt đầu được đề cập, thể hiện trong các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT. Đến năm 2011, Chính phủ mới chính thức ban hành Nghị định đầu tiên về dịch vụ công trực tuyến, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP. Từ năm 2020, dịch vụ công trực tuyến được gắn vào Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và từ đó, có sự phát triển đột phá, nhanh, theo chiều rộng, một năm bằng 10 năm. Cơ bản các dịch vụ công đã lên trực tuyến từ năm 2022 và năm 2023 đạt 100% nhưng tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình rất thấp. Và từ năm 2024, chúng ta mới tập trung vào kết quả cuối cùng là người dân dùng dịch vụ công trực tuyến, tức là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến.

Đà Nẵng đã tiếp cận mức của các nước phát triển khi tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình đạt gần 70%, trong khi đó, trung bình của các địa phương mới đạt 18%. Trung bình của cả nước, bao gồm cả các Bộ, ngành và địa phương, đạt 43%, cao hơn trung bình của các nước đang phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu của chúng ta là đến hết 2025, tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt trên 80%, tức là tiến tới mức của các nước đã phát triển. Đây là mục tiêu cao, giúp Việt Nam thay đổi căn bản thứ hạng quốc gia về chính phủ điện tử.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chia sẻ về một số bài học khi làm dịch vụ công trực tuyến.

Thứ nhất là đặt mục tiêu đúng. Mục tiêu phải là mục tiêu cuối cùng, không phải mục tiêu trung gian. Mục tiêu cuối cùng là mục tiêu liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp, cụ thể là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp được xử lý trực tuyến toàn trình. Trước đây, chúng ta đặt mục tiêu trung gian, đó là tỷ lệ dịch vụ công lên trực tuyến. Dịch vụ công lên trực tuyến nhưng người dân không dùng vì không tiện lợi. Từ năm 2024, chúng ta mới chính thức đặt mục tiêu trọng tâm của dịch vụ công trực tuyến là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến. Khi triển khai mục tiêu này, chúng ta tập trung vào làm trước các dịch vụ công thiết yếu có nhiều người dùng, bởi vì, 8,3% trong tổng số 6.400 số dịch vụ công thì phát sinh số lượng hồ sơ chiếm tới 80% tất cả các dịch vụ công. Ngoài việc đặt mục tiêu đúng thì việc đo lường kết quả tự động, kết nối online từ Cục Chuyển đổi số quốc gia tới cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành và địa phương, không dựa trên báo cáo giấy, có ý nghĩa rất quan trọng. Vì có đo lường chính xác thì mới đánh giá được cán bộ một cách chính xác.

Thứ hai là vai trò mang tính quyết định của người đứng đầu. Người đứng đầu cấp bộ, cấp tỉnh phải thực sự muốn làm, trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm, trực tiếp dùng. Đà Nẵng đạt được tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cao là do sự quyết liệt của đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch.

Thứ ba là lên môi trường số thì phải dùng quy trình số. Quy trình số này phải đơn giản hơn, thuận tiện hơn, không thể là quy trình cũ của môi trường thực. Khi lên môi trường số thì phải thay đổi quy trình và thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính để phù hợp với hoạt động trên môi trường số: Một việc làm một lần, đã khai rồi không phải khai lại. Lên môi trường số thì phải đơn giản hơn, thuận tiện hơn môi trường thực.

Thứ tư là Mobile hoá. Là quá trình chuyển đổi các dịch vụ, ứng dụng từ nền tảng truyền thống sang nền tảng di động. Triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động để người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính thông qua điện thoại di động. Việc tích hợp dịch vụ công trực tuyến vào các App ứng dụng phổ biến trên di động sẽ giúp phổ cập nhanh.

Thứ năm là sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền đến từng người dân. Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông các qua bưu cục của mạng lưới bưu chính tới cấp xã, bà con có thể ra bưu cục để được hướng dẫn làm dịch vụ công trực tuyến. Tích hợp trợ lý ảo vào các cổng dịch vụ công trực tuyến, để người dân có thể hỏi và được hướng dẫn làm các dịch vụ công trực tuyến.

Thứ sáu là các chính sách hỗ trợ, ưu tiên, khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Giảm phí dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian trả kết quả, tăng thời gian phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Chi phí tăng thêm do xử lý trực tiếp thì các Sở, ngành phải chi trả, điều này giúp các Sở, ngành có động lực tăng xử lý trực tuyến.

Rate this post
094.836.9191
Zalo Chat với chúng tôi qua zalo Zalo Google Maps Google Maps Google Maps Báo giá Nhận báo giá Nhận báo giá