Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán tại Việt Nam

Kế toán là một trong những lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Những công nghệ trong ứng dụng chuyển đổi số giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và bảo mật hơn; tổ chức kế toán trong doanh nghiệp cũng trở nên linh hoạt hơn và các báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị. 

Chuyển đổi số và vai trò trong lĩnh vực kế toán

Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả lĩnh vực của một doanh nghiệp (DN) nhằm làm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ mới và tốt nhất.

Chuyển đổi số giúp xóa dần khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, cũng như một loạt tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới; đồng thời, làm thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong lĩnh vực kế toán, chuyển đổi số có thể hiểu đơn giản là việc ứng dụng các công nghệ số vào các nghiệp vụ kế toán, giúp cho các nghiệp vụ kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu, tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho DN. Kế toán chịu tác động lớn của quá trình chuyển đổi số do ngoài nội dung lý thuyết, thì đây là ngành mang tính thực hành và ứng dụng cao.

chuyen-doi-so-ke-toan

Hoạt động kế toán tại DN trong bối cảnh chuyển đổi số thường ứng dụng 5 công nghệ chính: Internet vạn vật (IoT); Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big Data); Điện toán đám mây (Cloud); Chuỗi khối (Blockchain). Đây đều là những công nghệ giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và bảo mật hơn, tổ chức kế toán trong DN cũng trở nên linh hoạt hơn và các báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị.

Nhìn chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán đem lại nhiều lợi ích cho DN, cụ thể là:

Thứ nhất, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Một số công việc kế toán hiện nay đã được thay thế bằng các phần mềm kế toán, phần mềm hóa đơn điện tử… Kế toán viên sẽ không mất quá nhiều thời gian và công sức để phân loại chứng từ, xử lý từng nghiệp vụ kinh tế riêng lẻ, ghi các loại sổ kế toán. Nhờ đó, họ có nhiều thời gian hơn để sáng tạo trong công việc, thực hiện các công việc đòi hỏi chuyên môn cao hơn cũng như nâng cao tay nghề, nghiệp vụ.

Thứ hai, tạo môi trường làm việc thuận tiện hơn. Nhờ áp dụng công nghệ số, kế toán viên có thể thu thập được các thông tin mà trước đây khó thực hiện. Hay đơn giản là tổng hợp dữ liệu từ các đơn vị phụ thuộc để làm báo cáo hoàn toàn dễ dàng và nhanh chóng, phục vụ nhu cầu của cấp lãnh đạo tốt hơn.

Thứ ba, mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Với sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới internet, chỉ cần có Chứng chỉ hành nghề kế toán quốc tế, kế toán viên tại Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện các công việc bên ngoài lãnh thổ. Cơ hội nghề nghiệp nhờ đó được mở rộng và phát triển hơn.

Thứ tư, tối đa hóa hiệu quả của các nguồn lực. Thông qua các công nghệ hiện đại, DN giảm được rủi ro về lưu trữ dữ liệu, kế toán có thời gian để thực hiện các công việc đòi hỏi hàm lượng chất xám lớn.

Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán

Tại Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chính thức khởi động quá trình chuyển đổi số để hướng đến nền quản trị thông minh, nền kinh tế số, xã hội số. Điều đó tác động trực tiếp đến tất các các ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kế toán.

Đặc biệt, Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán – kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán – kiểm toán”.

Bên cạnh đó, Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2015 đã đề cập đến các quy định về ứng dụng công nghệ trong công tác kế toán liên quan đến chứng từ điện tử, chữ ký trên chứng từ, xác lập và lưu trữ các chứng từ, mở – ghi – khóa sổ và công tác lưu trữ… Những vấn đề này đòi hỏi có sự đóng góp của hệ thống công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả làm việc cao nhất.

Thực tế tại Việt Nam hiện nay cho thấy, vấn đề nhận thức về chuyển đổi số và các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong kế toán được tổ chức, thực hiện tại các DN và trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kế toán với sự điều chỉnh về nội dung, phương pháp đào tạo và đạt được những kết quả nhất định, cụ thể là:

Về sự hiểu biết của người làm kế toán đối với các công nghệ áp dụng trong kế toán, nghiên cứu của Nguyễn Phước Bảo Ấn và cộng sự (2021) về định hướng phát triển chuyển đổi số cho thấy, phần lớn người làm kế toán có biết đến phần mềm kế toán (mức độ 4/5). Các ứng dụng trên nền tảng Blockchain, hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning – phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) có được biết đến nhưng ở mức độ thấp hơn (mức độ 3/5), tức là có một bộ phận không nhỏ người làm kế toán chưa biết đến các công nghệ này.

Các công nghệ ERP đám mây, công cụ tự động hóa quy trình bằng máy tính, phần mềm IDV, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính thì phần lớn người làm kế toán chưa biết đến. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, tỷ lệ các đơn vị sử dụng ứng dụng và vận hành thành thạo phần mềm kế toán chiếm khoảng 58%; trong đó, đối với các phần mềm E-Invoice, Misa meInvoice chiếm tỷ lệ 26,8% và chỉ khoảng 10,5% đối với hệ thống ERP và phần mềm kế toán đám mây…

Nhìn chung, các công nghệ được ứng dụng nhiều trong công việc kế toán ở Việt Nam, đến nay chủ yếu bao gồm: phần mềm kế toán; chữ ký số và ứng dụng nộp báo cáo trực tuyến; hóa đơn điện tử; thanh toán trực tuyến và lưu trữ số liệu kế toán trực tuyến.

Về đào tạo nguồn nhân lực kế toán, hiện Việt Nam có khoảng 300 cơ sở đào tạo kế toán. Nội dung các chương trình đào tạo nhìn chung đã được cập nhật, thay đổi nhất định để đáp ứng điều kiện chuyển đổi số, các chương trình đào tạo đều có thiết kế nhóm môn học liên quan đến hệ thống thông tin kế toán, kế toán máy, phần mềm kế toán. Gần đây, một số trường đại học lớn và uy tín của Việt Nam đã có hoạt động tích cực trong việc đổi mới đào tạo nhân lực kế toán – kiểm toán hướng chuẩn quốc tế. Ngoài các chương trình đào tạo theo chuẩn chung, một số cơ sở đào tạo đã và đang triển khai nhiều chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết với trường đại học nước ngoài, tổ chức nghề nghiệp như Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW)…

Tuy vậy, hiện nay quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán cũng gặp không ít khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế, đã có nhiều vướng mắc xảy ra trong việc thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán…

Mặc dù, các giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành khác, tuy nhiên trong phạm vi Luật Kế toán, vẫn thiếu vắng những quy định để làm rõ hơn, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Thứ hai, chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin của các DN kế toán nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kế toán mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn tương đối hạn chế và chưa đi vào chiều sâu, chưa phục vụ được những hoạt động tác nghiệp cụ thể có tính phức tạp và đặc thù chuyên môn cao.

Thách thức liên quan đến rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng đối với các công ty kế toán. Thông tin, kết quả kế toán có thể bị rò rỉ từ việc gửi thư điện tử tới đơn vị hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài, trao đổi qua mạng nội bộ. Các phần tử xấu có thể lợi dụng các thông tin, kết quả kế toán chưa chính thức, để thực hiện các mục đích phá hoại, gây ảnh hưởng tới DN.

Thứ ba, thiếu hụt lao động chất lượng cao. Trong quá trình chuyển đổi số, quy trình kế toán sẽ có sự thay đổi căn bản khi hầu hết các phần hành kế toán đều ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả hoạt động ghi sổ, lập báo cáo tài chính. Do vậy, thách thức lớn nhất mà ngành kế toán gặp phải trong bối cảnh chuyển đổi số là yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin.

Thực tế cho thấy, kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các kế toán viên hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Trong khi đó, công tác đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo…

Cơ sở vật chất của hầu hết các cơ sở đào tạo kế toán ở Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu phòng thực hành, thiếu hệ thống thư viện hiện đại. Một số cơ sở đào tạo đã có hệ thống thư viện, nhưng còn hạn chế về không gian đọc, các tiện ích, đầu sách và cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Đây chính là nguyên nhân làm cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên gặp nhiều khó khăn, môi trường học tập của người học không thuận lợi.

Thứ tư, nhận thức và sự quan tâm của DN và kế toán viên đối với chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính tại Việt Nam, chỉ có 51% đối tượng khảo sát quan tâm cao và đặc biệt quan tâm đến Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, 49% còn lại tỏ thái độ không quan tâm đến vấn đề này.

Về mức độ tác động, 67% cho rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động lớn đối với ngành nghề kế toán, kiểm toán (67%) và một số ít (5%) nhận thức được Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động làm biến đổi sâu sắc, toàn diện ngành nghề trong tương lai không xa. Tuy nhiên, có đến 25% đối tượng khảo sát cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ tác động bình thường như yếu tố khác hiện đang tác động đến công việc của họ (như cạnh tranh giá phí, các kỹ thuật kế toán – kiểm toán truyền thống, tuân thủ chuẩn mực, chính sách chế độ…); 3% cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 rất ít tác động đến công việc mà họ đang thực hiện cung cấp cho khách hàng.

Đề xuất giải pháp

Để ngành kế toán chuyển đổi số thành công, trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện những giải pháp sau:

Một là, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Chiến lược cần căn cứ vào thực trạng kế toán và những vấn đề do chuyển đổi số đặt ra; tập trung phát triển đảm bảo ngành kế toán vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của quá trình chuyển đổi số.

Tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực kế toán phù hợp với sự phát triển của công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số. Trong đó, một số quy định của Luật Kế toán cần được nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.

Quản lý an ninh mạng cũng là một vấn đề cần được chú trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm dự phòng dữ liệu; nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, bảo đảm việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

Hai là, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Trước mắt, các DN cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng số liệu giao dịch ngày một lớn; ứng dụng công nghệ hiện đại để phân tích, xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn về bảo mật. Để đáp ứng yêu cầu này, DN cần cập nhật dữ liệu thường xuyên, lưu trữ các dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu tài chính và phi tài chính; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị trong hệ thống công nghệ thông tin chung; xây dựng phần mềm kế toán… Đồng thời, các quy định mang tính trói buộc, hạn chế quá trình chuyển đổi số cần được xem xét để điều chỉnh hoặc dỡ bỏ. 

Chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. Theo đó, DN cần xây dựng hệ thống bảo mật, an ninh mạng, thiết bị chuyên dụng như tường lửa (firewall), giải pháp phòng chống virus; thường xuyên kiểm tra an toàn, bảo mật để đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng, cập nhật, khắc phục các lỗ hổng về bảo mật đối với hệ thống.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán.

Cần rà soát và điều chỉnh từng bước các chương trình đào tạo hiện có theo hướng cập nhật nội dung về khoa học kế toán đã được quốc tế thừa nhận kết hợp ứng dụng chuyển đổi số vào các chương trình đào tạo này; nghiên cứu xây dựng các môn học, học phần, chương trình đào tạo mới ứng dụng chuyển đổi số ở mức độ cao, tăng cường các nội dung thực hành nghiệp vụ kế toán trong môi trường chuyển đổi số thông qua chương trình đào tạo chính thức và các hoạt động bổ trợ cho sinh viên.

Các đơn vị đào tạo cần tổ chức các chương trình thực tế giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với thực hành kế toán tại DN; tổ chức các tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên và các chuyên gia thực hành kế toán tại DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm kế toán, khai thác dữ liệu kế toán. Các hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực kế toán có đầy đủ năng lực chuyên môn, những kỹ năng cần thiết để tăng khả năng thích ứng công việc.

Ngoài ra, bản thân kế toán viên cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ và những kỹ năng cần thiết để ứng dụng cho phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Để có thể khai thác giá trị của công nghệ trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý và truy xuất dữ liệu, đồng thời tổng hợp dữ liệu giao dịch cho việc lập báo cáo tài chính và phân tách dữ liệu để lập các báo cáo đột xuất, kế toán viên cần phải có hiểu biết nhất định và thay đổi để thích ứng với các công nghệ mới, như: tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh…

Bốn là, thay đổi nhận thức về tác động của chuyển đổi số nói riêng và Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung đến hoạt động lĩnh vực kế toán.

Quá trình số hóa lĩnh vực kế toán của Viêt Nam là xu thế không thể tránh khỏi, bởi vì các hoạt đông kinh tế ngày càng đa dạng và phong phú. Điều quan trọng là những tiến bộ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

Năm là, tăng cường mối quan hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán và các tổ chức phi chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán và trong việc hỗ trợ các dự án đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán, cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ gắn với ứng dụng của quá trình chuyển đổi số.

Rate this post
094.836.9191
Zalo Chat với chúng tôi qua zalo Zalo Google Maps Google Maps Google Maps Báo giá Nhận báo giá Nhận báo giá