Chuyển đổi số tại Việt Nam năm 2024 đã đạt được nhiều bước tiến ngoạn mục, góp phần thúc đẩy các đột phá về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số.
Chuyển đổi để vươn mình
Năm 2024 đánh dấu những bước tiến nổi bật của Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số, mang lại nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia vào tháng 10.2024, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số như một động lực phát triển tất yếu, đồng thời đề ra ba đột phá chiến lược: thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nếu làm tốt công tác chuyển đổi số, xếp hạng của Việt Nam về chuyển đổi số trên thế giới sẽ được tăng lên, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư tốt nhất.
“Chúng ta đi sau về chuyển đổi số nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, Thủ tướng nói và nêu rõ ba đột phá trong chuyển đổi số là thể chế số, hạ tầng số và con người số. Thủ tướng lưu ý điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, nhất là người đứng đầu của các cấp, các ngành; đồng thời không được để thiếu điện, thiếu sóng viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế số, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng xã hội số minh bạch và hiện đại. Hạ tầng số tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ số. Song song đó, nhân lực số được chú trọng phát triển thông qua đào tạo và nâng cao kỹ năng, giúp lực lượng lao động sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc, đóng góp đáng kể vào công cuộc số hóa quốc gia và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu. Với chiến lược đúng đắn và sự chung tay của toàn xã hội, Việt Nam đang từng bước xây dựng một tương lai số hóa bền vững.
Cơ hội cho Blockchain
Ngày 22.10.2024, Chính phủ Việt Nam công bố Chiến lược Blockchain quốc gia, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối. Đây được coi là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, với mục tiêu biến Việt Nam thành quốc gia dẫn đầu khu vực về Blockchain vào năm 2030.
Chiến lược này nhấn mạnh vai trò của Blockchain trong xây dựng hạ tầng số hiện đại, đảm bảo an toàn dữ liệu, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Chính phủ cam kết hỗ trợ phát triển các thương hiệu Blockchain uy tín, thiết lập trung tâm thử nghiệm công nghệ và hoàn thiện môi trường pháp lý.
Các bộ ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách, triển khai chương trình đào tạo nhân lực và khuyến khích hợp tác quốc tế. Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong kết nối doanh nghiệp và phát triển các nền tảng công nghệ “Make in Việt Nam”.
Blockchain không chỉ cải tiến tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý dữ liệu mà còn mở ra cơ hội lớn trong các lĩnh vực như tài chính, y tế, và thương mại. Việc ứng dụng công nghệ này hứa hẹn đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu.
Chiến lược Blockchain quốc gia thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong kỷ nguyên số, tạo nền tảng cho một xã hội hiện đại, nơi công nghệ và con người cùng kiến tạo giá trị bền vững.
5G, yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số
Mạng 5G được xem là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam nhờ tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị cùng lúc. Công nghệ này không chỉ cải thiện hạ tầng kết nối mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và xã hội.
Phát triển hạ tầng 5G là nhiệm vụ trọng tâm để Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu. Việc quy hoạch băng tần, mở rộng mạng băng thông rộng và thương mại hóa 5G sẽ tạo điều kiện để áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT). Trong công nghiệp, 5G hỗ trợ tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa chi phí. Trong logistics, công nghệ này giúp quản lý chuỗi cung ứng và theo dõi hàng hóa theo thời gian thực.
Đặc biệt, 5G là nền tảng quan trọng cho thành phố thông minh, từ hệ thống giao thông hiện đại đến quản lý năng lượng và giám sát môi trường hiệu quả. Công nghệ này cũng tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới, như dịch vụ trực tuyến, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), giúp Việt Nam vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tham khảo: >> 5G là chất xúc tác cho chuyển đổi số và phát triển công nghệ tại Việt Nam
Việc đấu giá băng tần 5G gần đây đánh dấu bước tiến lớn trong triển khai công nghệ tại Việt Nam. Dự kiến, 5G sẽ chiếm hơn 50% thuê bao di động trong 5 năm tới, góp phần đưa kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, cần sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dùng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển 5G và khai thác tối đa lợi ích mà công nghệ mang lại.
Nguồn: (Bài đăng trên Ấn phẩm đặc biệt Lao Động Xuân Ất Tỵ)